Giới thiệu tấm tường Acotec

( Thứ hai 15/02/2016 | Lượt xem: 26752 )

Sanbetong.com - Tấm tường Acotec là sản phẩm công nghệ bê tông đúc sẵn, tấm tường bê tông rỗng Acotec sẽ khắc phục triệt để các hạn chế của loại tường gạch xây truyền thống (tường gạch sét nung và gạch không nung).

Khánh thành nhà máy tấm Acotec

Tấm tường Acotec được sản xuất theo công nghệ hiện đại của hãng Elematic - Phần Lan, đã được sử dụng tại trên 30 nước trên thế giới: Phần Lan, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… Với nhiều ưu điểm vượt trội, tấm tường Acotec sẽ được Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai đưa vào sử dụng trong các công trình từ quý 4 năm 2015.

1. Sự cần thiết đầu tư

Theo ước tính, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 20 tỉ viên gạch. Với xu hướng phát triển này đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng là hơn 40 tỉ viên/1 năm. Để đạt được số lượng gạch trên, nếu dùng đất nung thì sẽ mất rất nhiều đất canh tác, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, và phải sử dụng một lượng than hóa thạch khổng lồ, kèm theo đó là một lượng củi đốt rất lớn dẫn đến chặt phá rừng, mất cân bằng sinh thái, hậu họa của thiên tai và nghiêm trọng hơn nữa nó còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường vật nuôi, sức khỏe con người, và hậu quả để lại còn lâu dài. Theo thông tư 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây Dựng quy định rõ:

– Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình:

+ Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

+ Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

– Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

Do đó thị trường gạch không nung là thị trường có rất nhiều tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên 1 số công nghệ gạch không nung trong quá trình sản xuất và thi công ít ô nhiễm, nhưng sử dụng rất nhiều nguyên liệu thứ phẩm gây ô nhiễm như bột nhôm, phụ gia… thêm vào đó nhược điểm của gạch không nung là khả năng chịu lực theo phương ngang yếu, không linh hoạt khi thiết kế kiến trúc với nhiều góc cạnh, không có khả năng chống thấm tốt, dễ gây nứt tường do co dãn nhiệt. Trong quá trình thi công các công trình xây dựng trên cả nước kết hợp việc tìm hiểu nhiều công nghệ gạch không nung trên thế giới Công ty thấy rằng khi sử dụng công nghệ tấm tường bê tông rỗng tiền chế Acotec sẽ khắc phục được những nhược điểm trên, đem lại công việc ổn định cho người lao động, phù hợp với chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc đem lại lợi ích cho xã hội. Sử dụng công nghệ tấm tường bê tông rỗng tiền chế Acotec cho công trình bền đẹp, hiệu quả kinh tế cao. Tấm tường Acotec sử dụng các nguồn nguyên vật liệu chính trong tự nhiên như: đá, cát, xi măng,… Các loại nguyên vật liệu này có mặt ở khắp nơi, việc khai thác và sử dụng chúng không gây tác động đến môi trường tự nhiên của quốc gia. Có thể nói, tấm tường Acotec không chỉ là sản phẩm thông thường mà khi sử dụng nó còn mang giá trị nhân văn cao cả vì nó bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chúng ta. Quá trình sản xuất không sinh ra chất gây ô nhiễm, không tạo ra chất phế thải hoặc chất thải độc hại. Năng lượng tiêu thụ trong quá trình sản xuất tấm tường Acotec chiếm một phần nhỏ so với quá trình sản xuất các vật liệu khác. Tấm tường Acotec tạo ra bề mặt phẳng không cần phải trát, chỉ cần bả và sơn trực tiếp, tiết kiệm được vật liệu và nhân công xây dựng. Với chiều dày nhỏ chỉ từ 68 mm đến 140 mm nên giúp tăng diện tích căn hộ, mang lại lợi nhuận cho Chủ đầu tư. Tấm tường là tấm bê tông lớn nên có cường độ và độ bền cao hơn các sản phẩm gạch truyền thống. Khả năng chịu ẩm, chịu nhiệt, cách âm, cách nhiệt và chống cháy cao. Do có độ rỗng cao và chiều dày nhỏ nên trọng lượng trên 1 m2 tấm tường rỗng nhẹ hơn đáng kể so với các loại tường xây bằng gạch truyền thống (nhẹ hơn tường gạch 2-3 lần) giúp giảm tải trọng, tiết kiệm chi phí cho kết cấu chịu lực như: móng, dầm, sàn. Tốc độ thi công nhanh hơn gấp 5 lần so với gạch truyền thống và gấp 2 lần so với tường gạch bê tông, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí nhân công. Các lỗ rỗng trong tấm tường được sử dụng linh hoạt để bố trí hệ thống điện, nước.

Tấm tường Acotec trong nhà máy

Hình 1. Tấm tường rỗng trong nhà máy

Tấm tường acotec sau lắp dựng

Hình 2. Tấm tường rỗng sau khi lắp dựng

Tấm tường acotec sau bả

Hình 3. Tấm tường rỗng sau bả

Tấm tường acotec sau sơn

Hình 4. Tấm tường rỗng sau khi sơn hoàn thiện

2. Đặc điểm cấu tạo

Công nghệ sản xuất tấm tường rỗng tiền chế chủ yếu dựa trên 2 công nghệ chính là công nghệ SlipFormer và công nghệ Extruder. Tuy nhiên công nghệ SlipFormer có nhiều nhược điểm: Phải đầu tư nhà xưởng lớn, phải có cần trục, phải cẩu lắp vận chuyển riêng từng tấm nên giá thành vận chuyển cao, thêm vào đó chất lượng bề mặt tấm tường, độ phẳng, độ cong vênh lớn và không ổn định, tuy giá thành thiết bị thấp nhưng năng suất không cao, việc sử dụng công nghệ này không phổ biến trên thế giới. Cho nên hiện nay hầu hết các công ty đều sản xuất theo công nghệ Extruder, trên thế giới có trên 40 nhà máy sử dụng dây chuyền này: Phần Lan (02 nhà máy), Tây Ban Nha (03), Bồ Đào Nha (01), Anh (03), Nga (04), Hàn Quốc (01), Arập Saudi (01),  Đài Loan (03), Philippines (05), Malaysia (05), Indonesia (02), Ấn Độ (03), Iran (01), Trung Quốc (08).

dây truyền sản xuất tấm acotec

Hình 5. Dây chuyền sản xuất tấm tường rỗng theo công nghệ Extruder

2.1. Ưu điểm của công nghệ Extruder:

  • Đây là công nghệ chuyên dụng để sản xuất tấm tường rỗng.

  • Chất lượng tấm tường cao, đồng đều, ổn định.

  • Năng suất cao (công suất 80 m2 tấm tường/h, tương đương 200.000 m2 tường/năm).

  • Mức độ tự động hóa cao, chi phí nhân công thấp.

  • Tận dụng tối đa nguyên vật liệu, hầu như không có tình trạng lãng phí nguyên vật liệu.

  • Chi phí đầu tư nhà xưởng thấp (diện tích khu vực sản xuất cần có mái che chỉ khoảng 1000 m2).

  • Chiều dầy tấm tường đa dạng (68 mm, 75 mm, 92 mm, 100 mm, 120mm, 140 mm)

  • Không cần cốt thép trong tấm tường.

  • Tấm tường được đóng gói thành từng kiện, năng suất vận chuyển cao.

2.2. Nhược điểm của công nghệ Extruder:

  • Chi phí đầu tư ban đầu lớn.

2.3. Các thông số kỹ thuật của dây chuyền

  • Công suất thiết kế: 80 m2 tấm tường/h (khoảng 200.000 m2 tường/năm).

  • Nhân công vận hành trực tiếp: 6 người (01 lái xe xúc lật vận chuyển cốt liệu, 01 công nhân điều khiển trạm trộn, 01 công nhân vận hành dây chuyền chính, 01 công nhân kiểm tra chất lượng, hoàn thiện sản phẩm, 01 công nhân đóng gói, ghi nhãn mác, 01 lái xe nâng vận chuyển tấm tường).

  • Diện tích nhà xưởng có mái che để bố trí dây chuyền: 900-1000 m2.

  • Chiều cao nhà xưởng: tối thiểu 5.5 m.

  • Diện tích bãi thành phẩm: 3000 m2 (chứa thành phẩm sản xuất trong 6 tuần sản xuất: tương đương 23.000 m2 tường).

  • Diện tích bãi cốt liệu: 300 m2.

  • Yêu cầu về nguồn điện cho dây chuyền: 50KVA.

  • Diện tích bố trí trạm trộn: 150 m2.

  • Yêu cầu về nguồn điện cho trạm trộn: 100KVA.

2.4. Các thông số kỹ thuật của tấm tường

  • Chiều dày tấm tường: 68 mm, 75 mm, 92 mm, 100 mm, 120 mm, 140mm. Sai số sản xuất +1/-1mm.

  • Chiều rộng tấm tường: 0.3 m, 0.6 m. Sai số sản xuất -2/+2mm.

  • Chiều cao 01 tấm tường đơn: tối đa 3.3 m. Sai số sản xuất -2/+2mm.

  • Sử dụng bê tông cấp độ bền: B7.5, B10, B12.5, B15, B20

Các loại chiều dày tấm

Hình 6. Các loại chiều dày tấm tường

2.5. Lựa chọn chiều dày tấm tường

Dựa theo các thông số kỹ thuật về độ bền, độ cách âm, cách nhiệt, khả năng chống cháy, kiến nghị sử dụng các loại tấm tường sau:

Tấm tường dày 75mm thay thế cho tường gạch xây 110 làm tường ngăn giữa các phòng.

Tấm tường dày 100mm thay thế cho tường gạch xây 220 làm tường hành lang, tường ngăn giữa các căn hộ.

2.6. Nguyên vật liệu đầu vào sản xuất tấm tường

  • Xi măng póc lăng PC40 (300 kg cho 1m3 bê tông).

  • Đá mạt (0.7m3 cho 1m3 bê tông).

  • Cát hạt to (0.36 m3 cho 1m3 bê tông).

  • Nước (100 lít cho 1 m3 bê tông).

  • Không có phụ gia.

Vật tư phụ (gỗ kê, dây thép đóng gói, tấm nilông bọc ngoài).

so sánh tấm tường acotec

Bảng 1. So sánh tấm tường rỗng dày 75 mm với tường gạch xây 110 mm.

so sánh tấm tường acotec

Bảng 2. So sánh tấm tường rỗng dày 100 mm với tường gạch xây 110 mm.

 

Nguồn:

Tags: ,

Thống kê truy cập

Online: 1

Số người truy cập: 2078983