Kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung

( Thứ bảy 06/12/2014 | Lượt xem: 5565 )

Sanbetong.com - Liên quan tới vấn đề sử dụng vật liệu gạch không nung và lộ trình cho các công trình sử dụng vật liệu xây không nung theo quy định.Mới đây Bộ Xây Dựng đã họp bà và kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung.

Vật liệu không nung

Ngày 25/11, Bộ Xây dựng đã có công văn 3063/BXD-VLXD gửi Sở Xây dựng các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung.

Nhằm tăng cường việc thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (Chương trình 567); Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung (Chỉ thị 10); Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về việc quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng (Thông tư 09), Bộ Xây dựng kiểm điểm lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế cần khắc phục, cụ thể như sau: 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình 567, Bộ Xây dựng đã tổ chức công bố, phổ biến, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) trên phạm vi cả nước, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành soát xét và hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc sử dụng VLXKN (đến cuối năm 2011, các tiêu chuẩn sản phẩm VLXKN, định mức kinh tế xây dựng sử dụng VLXKN, chỉ dẫn kỹ thuật khi thi công sử dụng block bê tông khí chưng áp đã được ban hành). Các Bộ ngành, địa phương đã rà soát, ban hành các Thông tư hướng dẫn, các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các dự án phát triển VLXKN và quy định việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. 

Hiện nay trên phạm vi cả nước đã có 13 nhà máy sản xuất gạch bê tông khí chưng áp, 17 nhà máy sản xuất bê tông bọt, trên 1000 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất trên 10 triệu viên QTC/năm và một số chủng loại vật liệu không nung khác (tổng công suất thiết kế đạt gần 6 tỷ viên QTC). Các nhà máy sản xuất ra sản phẩm có chất lượng ổn định. Như vậy chúng ta đã làm chủ được công nghệ sản xuất VLXKN. Chi phí đầu tư cho dây chuyền sản xuất VLXKN loại xi măng cốt liệu không cao, thời gian đầu tư cho một dây chuyền sản xuất cũng không dài, nên trong thời gian vừa qua tốc độ đầu tư sản xuất gạch xi măng cốt liệu tăng nhanh. Đến hết năm 2013 tổng công suất đầu tư VLXKN đã hoàn toàn đảm bảo cung cấp sản phẩm để đạt và vượt mục tiêu của Chương trình. Song việc tiêu thụ sản phẩm VLXKN còn gặp rất nhiều khó khăn, theo số liệu thống kê, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạch bê tông khí chưng áp bình quân chỉ đạt 30-40% công suất thiết kế, trong đó có công ty xuất khẩu tới 70-80% sản lượng sản xuất; với gạch bê tông (có nơi gọi gạch block xi măng cốt liệu) sản xuất và tiêu thụ được 80-85% công suất thiết kế. 

Để đạt được kết quả như nêu ở trên có sự đóng góp rất quan trọng của Sở Xây dựng các địa phương. Trong thời gian qua nhiều Sở Xây dựng đã chủ động, tích cực tham mưu cho Ủy Ban nhân dân tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động của lò thủ công, thủ công cải tiến và các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu; xây dựng phương án phát triển VLXKN đáp ứng cho nhu cầu cung cấp vật liệu xây cho các công trình xây dựng; tổ chức các hội nghị phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định 567, Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09 của Bộ Xây dựng như các Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Bình thuận, Bắc Giang, Thái Bình,…. Đặc biệt là Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã có sáng kiến tổ chức các hội nghị liên kết vùng với các tỉnh lân cận để triển khai các văn bản của nhà nước, đồng thời bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất, cung ứng, sử dụng VLXKN trong vùng Đông Nam bộ đạt kết quả cao.

Tuy nhiên còn một số Sở Xây dựng chưa tổ chức, hoặc tổ chức triển khai thực hiện các văn bản nêu trên chưa nghiêm túc, thực hiện mang tính hình thức, không quyết liệt; có Sở tới thời điểm này vẫn chưa cập nhật các văn bản, các tiêu chuẩn… về lĩnh vực VLXKN dẫn đến trong quản lý, điều hành, xử lý các tình huống về việc sử dụng VLXKN ở địa phương còn lúng túng. Ở một số địa phương, khi đầu tư xây dựng công trình bằng vốn nhà nước đã không sử dụng VLXKN, hoặc đã có thiết kế sử dụng VLXKN sau đó lại thay đổi không sử dụng VLXKN như: Đà Nẵng, Quảng Bình, Bến Tre, Ninh Thuận …

Trước thực trạng trên Bộ Xây dựng yêu cầu Sở Xây dựng các địa phương:

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng ở địa phương: thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra giám sát các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đơn vị thi công thực hiện đúng các quy định tại Quyết định 567, Chỉ thị 10, Thông tư 09 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Tăng cường công tác quản lý, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN, định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất VLXKN trên địa bàn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất VLXKN, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.

3. Xây dựng và công bố giá các sản phẩm VLXKN trong công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng, quý của địa phương.

4. Tại các địa phương chưa xây dựng Kế hoạch tăng cường sử dụng VLXKN và Lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch (yêu cầu trong Chỉ thị 10), Sở Xây dựng cần khẩn trương tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3063/BXD-VLXD

 

Nguồn: Moc.gov.vn

Tags: ,

Thống kê truy cập

Online: 1

Số người truy cập: 2094479